CLB TÊN LỬA NƯỚC BLUE SKY WATER ROCKET
Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014
CÁCH CHẾ TẠO TÊN LỬA NƯỚC
CÁCH CHẾ TẠO TÊN LỬA NƯỚC
Tên lửa nước có một hoặc nhiều khoang nhiên liệu (thường được làm bằng các vỏ chai nhựa chứa nước ngọt có gas như Pepsi, Coca cola…), bên trong chứa một lượng nước nhất định (khoảng 1/3 tổng dung tích chai nước). Không khí được bơm vào các khoang đó tạo ra một áp suất đẩy nước phụt mạnh ra khỏi khoang (ở phía đuôi), nhờ đó đẩy tên lửa bay lên theo định luật bảo toàn động lượng.
![](http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/04/24/16/59/13352615711406213171_574_574.jpg)
II/Hướng dẫn chế tạo tên lửa nước
a. Phần thân:
Chỉ cần kiếm một vỏ chai nước ngọt loại 1,5 lít là bạn đã có một thân tên lửa rồi đấy !
![](http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/04/24/16/59/1335261573734965642_574_574.jpg)
b. Phần cánh:
Cánh tên lửa nước có thể được làm từ giấy bìa cứng, nhựa dẻo hay bất kỳ vật liệu nào có độ cứng và dễ cắt ghép.
Đầu tiên, bạn cắt vật liệu ra hình dạng cánh, bạn có thể cắt cánh theo bất cứ hình dạng nào mà bạn thích miễn nó có diện tích đủ rộng. Thông thường ta làm tên lửa nước có 3 cánh
![](http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/04/24/16/59/13352615731545097061_574_574.jpg)
Sau đó bạn ghép cánh vào đuôi tên lửa nước, là phần đầu của chai nước ngọt. Bạn có thể ghép trực tiếp vào chai hoặc ghép qua lớp vỏ bao phía ngoài. Chú ý tránh làm chai nước ngọt bị thủng vì như thế nước sẽ bị rò rỉ ra ngoài, tên lửa nước của bạn sẽ không đạt đươc hiệu suất như mong muốn.
![](http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/04/24/16/59/1335261574678750713_574_574.jpg)
- Ghép cánh trực tiếp vào thân, bạn có thể dùng keo dán. Phải đảm bảo cánh được dán thật chắc để không bị rơi ra trong qua trình bay.
- Nếu không, bạn có thể dùng giấy bìa cứng hoặc bìa mica mỏng cuộn lại thành một lớp vỏ bọc để dán cánh vào. Đường kính của lớp vỏ bọc đó bằng đường kính của thân tên lửa.
c. Phần chóp: Có 2 cách đơn giản để bạn chế tạo phần chóp:
- Cách 1: sử dụng phần đầu vỏ chai được cắt ra, sau đó ghép vào thân tên lửa có sẵn ta đã có được phần chóp.
Lưu ý: Đối với tên lửa nước dùng để bắn thẳng lên trời, các bạn chớ vội cố định lại bằng băng keo nhé, vì ta còn làm phần dù nữa đấy!
![](http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/04/24/16/59/1335261574896168426_574_574.jpg)
- Cách 2 : sử dụng giấy bìa cứng hoặc bìa mica mỏng cuộn lại thành chóp tên lửa:
![](http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/04/24/16/59/1335261575147612990_574_574.jpg)
Làm chóp theo cách 2 này có nhược điểm là nếu làm bằng giấy bìa cứng sẽ dễ ướt dẫn đến hư chóp.
d. Làm dù cho tên lửa nước:
Dù là bộ phận dùng để giảm chấn động cho tên lửa nước khi rơi, thường được đặt trong chóp tên lửa nước.
Tuy nhiên, đối với loại tên lửa nước dùng để bắn xa, ta sẽ không làm dù vì khi tên lửa nước bắt đầu rơi xuống, dù bung ra sẽ làm cản trở tên lửa nước bắn được xa hơn. Lúc đó, ta sẽ phải gia cố phần chóp và gắn vào phần thân cho thật chắc để có thể đảm bảo sử dụng được nhiều lần
Vật liệu để làm dù thường là bao nylon hoặc vải nilon mỏng. Bạn cắt ra thành hình tròn rồi cột các đoạn dây vào mép để làm dây dù. Sau đó bạn làm khoang chứa dù theo các bước sau:
![](http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/04/24/16/59/1335261576543709500_574_574.jpg)
Bạn cột các đầu dây dù còn lại vào thành của khoang chứa dù, sau đó cuộn dù lại thật gọn và cho vào khoang dù như hình dưới. Ta đã có một khoang chứa dù hoàn chỉnh cho tên lửa nước
![](http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/04/24/16/59/1335261577655638313_574_574.jpg)
III/Chế tạo dàn phóng
Tuỳ vào mục đích bắn và loại tên lửa nước, chúng ta sẽ có nhiều loại giàn phóng khác nhau. Đối với tên lửa nước bắn xa, chúng ta sẽ làm giàn phóng có ống phóng nghiêng 45 độ hoặc ống phóng có thể linh động điều chỉnh độ nghiêng.
Chuẩn bị:
- 1m25 ống nước PVC đường kính 21mm: cắt thành 7 đoạn, 6 đoạn dài 15cm, 1 đoạn dài 35cm
- 1 đoạn ống PVC 42mmm dài 5cm
- 4 đầu bịt ống 21mm
- 3 nối ống 21mm chữ T
- 10 sợi dây rút nhựa (lạt nhựa)
- 1 van xe máy (hoặc van xe đạp)
- 1 miếng săm xe
- Keo dán ống PVC
- 1 cuộn keo lụa quấn ống nước.
Các vật dụng trên có thể dễ dàng mua tại các cửa hàng bán vật tư nước. Bạn lắp ghép các phần như hình sau. Các chỗ nối dán lại bằng keo dán ống PVC.
![](http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/04/24/16/59/13352615771399503698_574_574.jpg)
Phần van để bơm khí vào bạn gắn vào một đầu bịt ống. Đầu bịt ống này được mài phẳng (có thể dùng cưa để cưa đi phần thừa) sau đó đục một lỗ và cho van xe máy (hoặc xe đạp) vào. Bạn dùng các miếng xăm chèn vào chỗ tiếp giáp giữa van và ống nước để tránh rò rỉ khí.
![](http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/04/24/17/04/13352618761533439201_574_574.jpg)
Cuối cùng bạn có một hệ thống tên lửa nước 1 tầng hoàn chỉnh !
![](http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/04/24/17/04/13352618771217561262_574_574.jpg)
IV. Cách sử dụng:
Bạn quấn một lượt mỏng băng tan vào ống phóng 21mm (của giàn phóng), đút phần đuôi tên lửa nước vào ống 21mm sao cho miệng chai kín khít với ống phóng (nhờ lớp băng tan mỏng). Các mấu của lạt nhựa được giữ chặt vào cổ chai bằng đoạn ống nước đường kính 42mm. Bơm khí vào tên lửa nước qua van. Muốn cho tên lửa bay lên bạn chỉ cần giật đoạn ống 42mm để các mấu của lạt nhựa bung ra qua đó tên lửa nước được giải phóng và bay lên. - See more at: http://thienvanhanoi.org/forum/showthread.php?1272-Huong-dan-lam-ten-lua-nuoc-#sthash.FHbu1htf.dpuf
Cuộc thi Tên lửa nước “BATTLE IN THE SKY” năm 2014
Cuộc thi Tên lửa nước “BATTLE IN THE SKY” năm 2014
Thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954 – 07/05/2014), 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2014). Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Cuộc thi Tên lửa nước “BATTLE IN THE SKY” năm 2014, nội dung như sau:I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
- Tạo sân chơi khoa học, năng động, sáng tạo cho các bạn học sinh, sinh viên Giúp các bạn có cơ hội áp dụng các kiến thức đã học trong nhà trường vào thực tế, phát huy tính năng động – sáng tạo trong các phong trào học sinh, sinh viên.
- Là môi trường gắn kết, giao lưu giữa các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng. Đây là một sân chơi giao lưu, chia sẻ và học hỏi tri thức, kinh nghiệm; tạo tiền đề để các bạn tiếp tục học tập, nghiên cứu, sáng tạo đặc biệt trong lĩnh vực thiên văn góp phần “Chắp cánh những ước mơ sáng tạo của các bạn học sinh, sinh viên”.
2. Yêu cầu:
- Cuộc thi Tên lửa nước “BATTLE IN THE SKY” năm 2014 phải được tổ chức hiệu quả, chu đáo, an toàn, thiết thực, thu hút được sự quan tâm tham gia đông đảo của các bạn học sinh, sinh viên trong và ngoài Tỉnh, tạo không khí thi đua sôi nổi, sân chơi lành mạnh cho các bạn học sinh, sinh viên.
- Tạo được sự quan tâm của cấp Đoàn, Báo chí - Truyền thông; sự tham gia nhiệt tình hưởng ứng của cộng đồng.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN:
1. Đối tượng dự thi: Là Đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên đang học tại các trường THCS, THPT, Đại học, Cao đẳng, TCCN, trong và ngoài Tỉnh.
2. Số lượng:
- Một đội dự thi 5 người/đội.
- Một trường đăng ký tối đa 3 – 5 đội.
- Trang phụ: đẹp, thể thao và phù hợp với đơn vị.
3. Thời gian đăng ký: Từ ngày ban hành kế hoạch đến hết ngày 18 tháng 5 năm 2014.
4. Địa điểm đăng ký: Phòng Nghiệp vụ Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh BR – VT. Số 160 Hạ Long, P. 2, Tp. Vũng Tàu. ĐT: 064. 3835454 – DĐ: 0918. 240112 (gặp đ/
5. Thời gian khai mạc: Lúc 7h30 ngày 25 tháng 5 năm 2014 (Chủ nhật) tại sân thi đấu Nhà Văn hóa Thanh niên.
III. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TỔ CHỨC CUỘC THI:
1. Nội dung: Gồm 3 vòng thi.
- Vòng sơ loại 1:“Thám hiểm vũ trụ” bắn tên lửa bung dù.
- Vòng sơ loại 2: Bắn tên lửa trúng mục tiêu.
- Vòng chung kết: “Chinh phục không gian” tên lửa bắn đồng tâm.
Quy định chung:
- Thi đấu theo đội, đấu theo lượt, mỗi lượt thi đấu gồm 02 đội theo bốc thăm ngẫu nhiên của Ban tổ chức Cuộc thi.
- Mỗi đội tự chuẩn bị giàn phóng và tên lửa nước, tối thiểu là 01 giàn phóng và 02 tên lửa nước (bung dù) và 05 tên lửa nước (Trúng mục tiêu) tất cả là 01 tầng. Và đặc biệt tên lửa nước không được làm đầu nhọn và quá cứng. Về giàn phóng: không giới hạn nòng bơm (van bơm).
- Áp suất bơm (tối đa 80psi - tương đương khoảng 5,5bar), lượng nước nhiên liệu, hướng bắn và góc bắn là tuỳ chọn.
- Mỗi lượt thi đấu cho 2 đội. Mỗi đội được phép bắn 2 lần và sẽ lấy điểm cao hơn trong 2 lần bắn ấy (có thể dùng cùng 1 tên lửa hoặc một tên lửa đã chuẩn bị khác trong lần bắn thứ 2) trong vòng sơ loại. Vòng chung kết thì tính tổng điểm 2 lần bắn.
- Khi phát hiệu lệnh cả 2 đội đều phải giật chốt đồng loạt.
- Nếu trong thời gian bơm xảy ra sự cố, giám khảo bấm dừng thời gian. Sau khi khắc phục sự cố, giám khảo bấm tiếp thời gian.
- Nếu trong quá trình chuẩn bị hoặc bơm áp suất bị lỗi, gặp sự cố không sửa được thì bị loại, xem như phần thi không tính điểm.
- Bắn lên cây hoặc lên nóc nhà thì không tính điểm.
- Cuộc thi gồm có 03 vòng thi đấu: vòng loại 1, 2 và vòng chung kết. Nếu số lượng các đội tham dự vòng loại chia cho 2 dư 1 thì sẽ có 01 lượt bắn chỉ gồm 01 đội tham dự. Các đội đứng đầu bảng tổng sắp sẽ lọt vào vòng chung kết và số lượng các đội ở vòng chung kết sẽ là bội số của 2 với tỉ lệ loại tối đa là 50% số đội tham dự từ vòng loại.
- Nếu kết quả có nhiều hơn 01 đội đạt điểm số cao nhất, một hoặc nhiều vòng đấu phụ sẽ được tiến hành để tìm ra đội xuất sắc nhất.
- Các đội phải tuân thủ Quy định an toàn (xem mục IV) và các quy định, phải chấp hành nghiêm chỉnh luật thi đấu và theo sự hướng dẫn của BTC Cuộc thi.
1.1. Vòng sơ loại 1:
TT Nội dung Thể lệ Yêu cầu
01 . Tên gọi: “Thám hiểm vũ trụ”
. Thể loại:
Tên lửa bung dù. - Ở vòng thi này, các đội phải thể hiện khả năng trong kỹ thuật bắn tầm cao bung dù tốt nhất. Tên lửa nước của đội nào ở trên không cao nhất, bung dù tốt nhất và đáp về “vị trí an toàn nhất” sẽ được bước vào vòng tiếp theo.
- Thời gian chuẩn bị: tối đa 2 phút.
- Thời gian bơm áp suất: 30s*
Cách tính điểm:
- Đội tham gia phải đạt đủ tiêu chuẩn trong quy định chung thì mới được tham gia thi đấu và tính điểm.
- Điểm của mỗi đội trong vòng loại là điểm của trong 2 lần bắn. - Các đội chuẩn bị 02 tên lửa bung dù, bệ phóng, bơm hơi…
- Kết quả và điểm của mỗi lần bắn được tính theo thang điểm sau:
TT Tiêu chí Điểm Ghi chú
1 Tên lửa bay ra khỏi giàn 10đ Tên lửa bay lên với các bộ phận còn nguyên như lúc còn trên giàn.
2 Bung dù ra khỏi tên lửa 10đ Dù phải thể hiện khả năng “cứu” tên lửa trong lúc rơi tự do.
3 Đáp an toàn 10đ Trong sân thi đấu, không vượt ra ngoài khu vục cho phép.
4 Thời gian bay của tên lửa 10đ/giây Từ lúc ra khỏi giàn đến lúc đáp xuống mặt đất.
Thông số kỹ thuật của khung mục tiêu và sân thi đấu vòng sơ loại 1:
(tỉ lệ minh hoạ, không chính xác)
1.2. Vòng sơ loại 2: Bắn trúng mục tiêu:
Mô tả sân thi đấu vòng sơ loại 2:
TT Nội dung Thể lệ Yêu cầu
01 Bắn tên lửa trúng mục tiêu. - Từng đội sẽ thực hiện phần thi của mình theo thứ tự bốc thăm.
- Mỗi đội có 2 lượt bắn.
- Các đội phải bắn tên lửa trúng vào cầu môn (BTC sẽ thông báo cự li từ vị trí bắn đến cầu môn).
* Cách tính điểm:
- Bắn trúng cầu môn: 80 điểm
- Bắn vào vùng đệm (5mx5m): 30 điểm
- Bắn vào vùng đệm (10mx10m): 10 điểm - Các đội chuẩn bị 02 tên lửa bung dù, bệ phóng, bơm hơi…
1.3. Chung kết: (50% đội có số điểm cao nhất từ vòng loại 1 + vòng loại 2).
TT Nội dung Thể lệ Yêu cầu
01 Tên gọi: Chinh phục không gian.
Tên lửa bắn đồng tâm.
- Mục tiêu của mỗi đội ở vòng chung kết là 03 vòng tròn đồng tâm có bán kính nhỏ dần. Vòng có bán kính càng nhỏ thì điểm số cao. Vị trí bắn cách tâm của mục tiêu 40m. Các tâm mục tiêu cách nhau 5m.
- Vòng tròn lớn nhất có bán kính 200cm, vòng tròn ở giữa có bán kính 120cm và vòng tròn nhỏ nhất có bán kính 80cm.
- Mỗi đội có 03 lần bắn để tính điểm tổng sắp, do đó cần có chiến thuật cũng như kỹ thuật bắn sao cho kết quả đạt được là cao nhất.
- Thử thách : trước mặt đội thi đấu là một tấm lưới (hoặc một vật chắn khác) bắt ngang cao 3m cách 10m. Phải bắn qua lưới và đến các vòng tròn phía trước.
- Thời gian chuẩn bị : tối đa 2 phút
- Thời gian bơm áp suất : 30s
* Cách tính điểm:
- Điểm của mỗi đội trong vòng chung kết là tổng điểm của 3 lần bắn.
- Điểm của mỗi lần bắn chỉ được công nhận khi tên lửa hạ cánh xuống khu vực mục tiêu của đội mình mà không làm hư hại đến tên lửa đội bạn hoặc làm hư hại hạ tầng sân bãi, nếu không thì lượt bắn đó không được tính điểm. - Các đội chuẩn bị 02 tên lửa bung dù, bệ phóng, bơm hơi…
- Kết quả và điểm của mỗi lần bắn được tính dựa trên vị trí tiếp đất của đầu tên lửa theo thang điểm sau:
TT Tiêu chí Điểm Ghi chú
1 Tên lửa bay ra khỏi giàn. +20 Tên lửa bay lên với các bộ phận còn nguyên như lúc còn trên giàn
2 Qua lưới. +20 Bên trên lưới
3 Ngoài vòng mục tiêu có bán kính 120 cm và trong vòng bán kính 200 cm. +20
4 Ngoài vòng mục tiêu có bán kính 80 cm và trong vòng bán kính 120cm. +30
5 Trong vòng mục tiêu có bán kính 80 cm +50
6 Ngoài vòng mục tiêu có bán kính 200 cm và nằm trong mục tiêu của đội bạn –10 Ghi nhận điểm bằng số nguyên âm
Thông số kỹ thuật của khung mục tiêu và sân thi đấu vòng chung kết :
(tỉ lệ minh hoạ, không chính xác)
2. Bắn tên lửa nước ghép tầng:
- Trước khi diễn ra vòng chung kết 30-60 phút, BTC sẽ bắn tên lửa ghép tầng.
- Các đội có thể chuần bị tên lửa ghép tầng để tham gia bắn giao lưu cùng BTC (không bắt buộc) để thể hiện được khả năng riêng của đội mình.
3. Thiết kế trang trí và trưng bày triển lãm Tên lửa nước:
- Đây là phần thi độc lập không liên quan đến thi bắn tên lửa nói trên. Phần thi này có giải thưởng riêng và tên lửa trang trí của các đội sẽ được trưng bày quanh sân thi đấu. Mỗi đội tham gia phải thực hiện từ 02 tên lửa đã trang trí, đăng ký tên và bốc thăm vị trí trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
- Tiêu chí chấm điểm:
Về kỹ thuật :
+ 02 tiêu chí chính để chấm điểm kỹ thuật là (a) sự an toàn, tính hiệu quả, ổn định của tên lửa và (b) sự sáng tạo trong việc chế tạo.
Về mĩ thuật :
+ 02 tiêu chí chính để chấm điểm mĩ thuật là (a) phần trang trí trên dàn phóng và (b) phần trang trí tên lửa.
IV. CÁC QUY ĐỊNH AN TOÀN CHO TÊN LỬA NƯỚC
- KHÔNG được hướng tên lửa vào người khác khi đang bơm, KHÔNG hướng tên lửa vào các mục tiêu cụ thể như nhà, xe cộ..
- Chỉ dùng vật liệu nhẹ như giấy, plastis, nhựa mềm để làm cánh, mũi và trang trí tên lửa. KHÔNG dùng vật liệu kim loại, gạch, cát, đá, thủy tinh, gỗ, và các vật liệu cứng gây nguy hiểm khác.
- Chai làm tên lửa bắt buộc chỉ là chai nhựa plastis (PET) dung tích không quá 1,5l.
- Khối lượng tên lửa khi không có nước KHÔNG vượt quá 300g
- KHÔNG gắn các vật sắc nhọn trên đầu và cánh tên lửa.
- Áp suất bơm tối đa đối với tên lửa một tầng là 5kg/cm2. KHÔNG sử dụng thiết bị nén khí khác ngoài bơm tay. YÊU CẦU phải có áp kế chuẩn ở bệ phóng.
- Trước khi giật chốt phóng tên lửa, phải thông báo cho người xung quanh mình biết (đếm ngược), phải theo hiệu lệnh của BTC mới được phóng.
- Khi tên lửa nước vướng lên nóc nhà, cây, cột hoặc dây điện… KHÔNG leo lên lấy lại.
- KHÔNG đón bắt tên lửa khi đang rơi.
- KHÔNG gắn các loại chất gây nổ vào tên lửa nước.
- Dàn phóng phải được dán kín và chắc chắn, phải kiểm tra các mốc nối ống nước trước khi tiến hành bắn.
- Khi bắn phải có người cảnh giới tên lửa để xác định hướng bay và vị trí rơi của tên lửa, thông báo cho mọi người di chuyển đến vị trí an toàn, phải chọn chỗ có không gian trống rộng.
- Phải có ít nhất hai người tham gia bắn tên lửa nước, một người bơm và một người bắn.
- Người tham gia vào đội bắn tên lửa phải là người có kinh nghiệm và nắm vững các quy định an toàn về tên lửa. KHÔNG để người chưa được huấn luyện làm nhiệm vụ giật chốt hay định hướng tên lửa.
- Nếu trường hợp nào vi phạm sẽ bị cảnh cáo, tùy vào mức độ mà có thể bị đình chỉ thi ngay lập tức. Trong trường hợp các đội thử ở ngoài, tuyệt đối tuân theo các quy định an toàn này, nếu không tuân theo mà xảy ra sự cố thì đội đó hoàn toàn tự chịu trách nhiệm.
V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN:
THỜI GIAN NỘI DUNG CHI TIẾT GHI CHÚ
Ngày 15/03/2014 Tập huấn thiết kế Tên lửa nước và dàn phóng và triển khai Cuộc thi.
Ngày 18/5/2014 Tổng hợp danh sách các đơn vị tham gia
Ngày 25/5/2014 Tổ chức Tên lửa nước “BATTLE IN THE SKY” năm 2014
VI. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG:
- 01 Giải nhất: * 2.000.000đ = 2.000.000đ
- 01 Giải nhì: * 1.600.000đ = 1.600.000đ
- 02 Giải ba: * 1.000.000đ = 2.000.000đ
- 06 Giải Khuyến khích: * 600.000đ = 3.600.000đ
- 02 Giải trang trí Tên lửa đẹp nhất: * 800.000đ = 1.600.000đ
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)